weather
Thời Tiết Côn Đảo
Nhiệt Độ: 28°C
Hiện tại: mưa nhẹ

Những địa điểm tâm linh và di tích ở Côn Đảo

Trong bài viết này, Yêu Côn Đảo xin gửi tới quý bạn đọc một vài thông tin về địa điểm tham quan tâm linh cũng như di tích ở Côn Đảo, hy vọng sẽ có hữu ích và giúp cho bạn có một chuyến du lịch Côn Đảo với nhiều trải nghiệm thú vị nhất

1. Chùa Núi Một ( Vân Sơn Tự)

Di tích chùa Núi Một gắn liền với địa danh Côn Đảo, là nơi gởi gắm tâm linh của người dân địa phương. Chùa Núi Một là một kiến trúc uy nghi nằm trên đỉnh núi, là một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp không thể bỏ qua khi đến Côn Đảo. Từ đây du khách có thể ngắm hồ An Hải, toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và Vịnh Côn Sơn.

Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên Núi Một huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng năm 1964. Nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mỵ dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy

Từ năm 1960 ở nhà tù Côn Đảo, địch ra sức tăng cường mức độ bóc lột khổ sai bằng hình thức tổ chức “lao động cộng đồng” vào các ngày chủ nhật

Tháng 4/1965, địch bắt tù nhân án chung thân bị cấm cố ở Trại 2 (Phú Hải) đi xây Chùa Núi Một, người tù phải khuân vật liệu: cát, đá, ximăng… từ dưới chân núi lên đỉnh núi

Sau năm 1975, chùa là nơi thờ Phật của người dân trên đảo, là công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo, đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh

2. Miếu bà Phi Yến (An Sơn Miếu)

Tiếp theo là Miếu Bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu là nơi thờ bà Phi Yến – Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh). Bà có tên thật là Lê Thị Răm

An Sơn Miếu

Nơi cũng là nơi thờ bà thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Người dân Côn Đảo thờ cúng, thể hiện sự thành kính, ngưỡng của người phụ nữ tài sắc, đức hạnh nhưng đầy bi thương là bà chúa Hoàng Phi Yến.

3. Miếu Hoàng Tử Cải:

Miếu Cậu là nơi thờ Hoàng tử Hội An thường được gọi là Hoàng tử Cải, con trai của chúa Nguyễn Ánh và bà thứ phi Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm. Miếu Cậu nằm trong khu vực Làng Cỏ Ống nằm trên đường ra bãi Đầm Trầu ngay gần sân bay Côn Sơn

Bà Phi Yến vì khuyên ngăn mà bị giam vào hang động trên một đảo hoang. Nghe tin quân Tây Sơn sắp đánh tới Côn Đảo, Nguyễn Ánh chạy vội lên thuyền sang lánh nạn đảo Phú Quốc.

Miếu Hoàng Tử Cải

Hoàng tử kêu khóc thảm thiết đòi mẹ theo, nếu không quyết ở lại sống chết cùng mẹ. Trong lúc tức giận, Nguyễn Ánh đã nhẫn tâm xách đầu đứa trẻ 5 tuổi ném xuống biển.

Xác hoàng tử trôi dạt vào bãi san hô gần bãi Đầm Trầu, người dân quanh đấy mang chôn cất và dựng miếu thờ. Miếu hoàng tử Cải gần sân bay Cỏ Ống và đền thờ bà Phi Yến (xem thêm địa danh An Sơn Miếu) ở làng An Hải từ đó đến nay luôn được người dân Côn Đảo thờ cúng trang nghiêm

Hoàng tử Cải (tên tục của hoàng tử Hội An) là con của bà Phi Yến – thứ phi của Nguyễn Ánh. Khi ẩn trốn tại Côn Đảo, Nguyễn Ánh có ý định mang hoàng tử sang Pháp làm con tin nhằm xin viện binh đánh nhà Tây Sơn

4. Miếu Năm Cô

Miếu Ngũ Hành thờ ” ngũ hành nương nương ” còn gọi là miếu Năm Cô . Năm vị thần mỗi người có những khả năng đặc biệt khác nhau, tương hỗ với các yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, các yếu tố lại đại diện cho các lĩnh vực của cuộc sống từ kim khí, nguồn nước, cây quả cho tới đất đai, gỗ, lửa…

Miếu Ngũ Hành

Còn gọi là Miếu Ngũ Hành, một nơi linh thiêng thờ cúng 5 vị nữ thần cai quản 5 nghề liên quan gồm Kim (kim khí), Mộc (cây gỗ), Thủy (nước nôi), Hỏa (củi lửa) vàThổ (đất đai). Miếu được người dân Côn Đảo lập nên với hi vọng các vị nữ thần chở che, phù hộ cho nhân dân trong vùng, những người nông dân, ngư dân, thợ thủ công và tiểu thương… được bình an sinh sống, làm ăn phát đạt.

5. Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại nơi này. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong nhà tù vùng này của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Họ đã chết dưới sự tàn bạo của cai ngục và hoàn cảnh sống khắc nghiệt tại nhà tù.

Nghĩa Trang Hàng Dương

Đây cũng là nơi chôn cất chị Võ Thị Sáu, phần mộ gắn liền với những câu chuyện có thật về sự linh thiêng.

6. Nghĩa trang Hàng Keo

Với diện tích 80.000m2 , đây là nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo từ đầu thế kỷ XX cho đến giai đoạn khủng bố trắng 1940-1941.

Nghĩa trang Hàng Keo

Nghĩa trang Hàng Keo nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ. Năm 1997 chính quyền đã di dời một số phần mộ sang nghĩa trang Hàng Dương thuộc khu D. Hiện tại, ở nghĩa trang Hàng Keo đa phần là rừng cây tự nhiên và hài cốt của những tù nhân nằm dưới lòng đất chưa được tìm thấy.

7. Di tích Bãi Sọ Người

Di tích Bãi Sọ Người nằm ngay Khu biệt lập Chuồng Bò, là nơi chứng kiến cuộc tàn sát tù nhân đẫm máu nhất, đồng thời là nghĩa địa đầu tiên ở Côn Đảo.

Di Tích Bãi Sọ người

Vào ngày 28/11/1861, thực dân Pháp chiếm quần đảo Côn Đảo. Tháng 7/ 1862, Pháp phái một thông hạm Norazaray đến Côn Đảo truy sát số nghĩa binh, giết chết hơn 100 người và bắt sống 20 tù nhân. Pháp buộc 20 tù nhân này phải đào một cái hố to trên một đồi cát và mang hơn 100 xác chết chôn chung một mồ. Sau đó, Pháp chôn sống luôn 20 tù nhân ở đó. Địa điểm này chính là di tích Bãi Sọ Người.

8. Cầu Ma Thiên Lãnh

Cầu Ma Thiên Lãnh là tên một cây cầu ở Côn Đảo, chỉ còn lại hai bên mố cầu, cây cầu này do thực dân Pháp chỉ đạo các tù nhân phải xây dựng lao động khổ sau, cầu bắc qua hai vách núi cao, Cầu Ma Thiên Lãnh vẫn chưa thi công xong nhưng đã có gần 400 tù nhân đã thiệt mạng vì tai nạn, thiếu lương thực và khí hậu khắc nghiệt nơi cheo leo hiểm trở.

9. Cầu Tàu lịch sử 914

Là điểm di tích lịch sử nổi tiếng tại Côn Đảo – Một địa điểm lịch sử mang ẩn tích về con số 914

Cầu Tàu 914

Con số 914 cũng chỉ mang tính tượng trưng về số người tù đã chết khi làm cầu tàu này. Cầu tàu là nơi chứng kiến cảnh lao động khổ sai nặng nhọc của người tù, đồng thời cũng là nơi chứng kiến giây phút vinh quang, xúc động nhất khi đảo được giải phóng.

10. Bia tưởng niệm cuộc Vượt ngục năm 1952 tại Bãi nhát

Cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 15km, trên đường đi Bến Đầm có tấm bia lớn tưởng niệm 198 chiến sĩ cộng sản của ta đã vượt ngục năm 1952.

Bia tưởng niệm cuộc Vượt ngục năm 1952 tại Bãi nhát

Đêm 12-12-1952, 198 chiến sĩ cách mạng đã vượt “chuồng cọp”. Kế hoạch vượt ngục đã được thống nhất bí mật trước đó. Phương tiện vượt ngục là xuồng gỗ đã được các chiến sĩ bí mật làm trước và giấu dưới biển. Đúng giờ G, 198 chiến sĩ xuống xuồng bắt đầu cuộc vượt ngục. Giữa đêm tối mịt mù, vừa phải bí mật tránh sự phát hiện của địch, vừa phải chống chọi với sóng gió. Chèo xuồng được khoảng hơn 3km, thì bất ngờ sóng gió nổi lên, thời tiết vô cùng bất lợi. Những chiếc xuồng gỗ ngâm, giấu lâu ngày dưới biển đã bục vỡ. 81 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên biển, 117 chiến sĩ bị địch bắt lại và truy sát.

11. Nhà tù Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862 sau khi chiếm được quần đảo Côn Lôn (tên cũ của Côn Đảo) để giam cầm các nhà yêu nước và cả những thường phạm. Nơi này là một quần thể nhà tù lớn được ví như địa ngục trần gian.
Vào thời chiến tranh chống Mỹ, hệ thống các nhà tù được mở rộng, xây dựng thêm các trại giam, tàn khốc nhất là các khu chuồng cọp.

Mỗi năm, số tù binh chết ở Côn Đảo từ 100 đến 150 người, thời điểm khắc nghiệt nhất lên đến 500, 600 người do bị tra tấn dã man. Suốt 113 năm (1862 đến 1975), hơn 20.000 chiến sĩ đã mất tại các nhà tù Côn Đảo.

Trong khuôn viên các nhà tù có các bia tưởng niệm để người dân có thể thắp hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân của mình với những thế hệ đi trước đã nằm lại nơi này.

Tổng hợp: Yêu Côn Đảo